Bánh Cáy
Đặc sản bánh Cáy Thái Bình
Bánh cáy là một loại bánh được làm từ gạo nếp, có màu sắc rất bắt mắt nhờ lấy màu đỏ từ quả gấc và màu vàng từ quả dành dành. Bên cạnh đó, vị ngọt của bánh đến từ vị ngọt của mạch nha, thoảng đâu đó là hương thơm đặc trưng từ gạo nếp quyện lẫn với vị béo thơm của vừng, đậu phộng, mứt dừa và tinh dầu bưởi.
Bánh cáy thường xuất hiện nhiều nhất vào thời điểm mùa Tết, bên cạnh các loại bánh quen thuộc như bánh chưng, bánh dày,… và mâm ngũ quả để dâng lên bàn tờ tổ tiên.
Bánh cáy là đặc sản của làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng thuộc tỉnh Thái Bình nước ta. Theo tương truyền rằng, bánh cáy là món bánh dân gian có nguồn gốc từ thời vua Lê - chúa Trịnh vào thế kỷ 17, và người làm ra loại bánh này chính là bà Nguyễn Thị Tần (sinh ngày 17/1/1725) sống tại làng Nguyễn.
Bà Tần được sinh ra trong gia đình quyền quý, đến năm 16 tuổi thì được cha đưa vào kinh. Vì bà đàn hay và hát giỏi nên đã được vua Lê Hiển Tông cho làm nhũ mẫu để dạy bảo Thái tử Lê Duy Vũ. Tuy nhiên, đến năm 1769 Lê Duy Vỹ bị Thế tử Trịnh Sâm đem lòng đố kỵ và ghen ghét nên đã bức hại đày vào ngục giam giữ.
Lúc bấy giờ, chỉ có bảo mẫu Nguyễn Thị Tần mới được thăm nom Thái tử Lê Duy Vỹ trong ngục. Vì thấy Thái tử ăn uống quá đạm bạc nên bà đã làm ra một loại bánh vừa có vị béo, vị bùi và vị ngọt để giúp Thái tử lấy lại sức khỏe trong những ngày sống ở trong ngục.
Sau này, bà Tần đem công thức làm bánh đó truyền lại cho dân làng Nguyễn và được gọi là bánh cáy cho mãi đến ngày nay.